Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã được hoàn thiện, gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, Chính phủ tái khẳng định quan điểm tại tờ trình Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo) mới được gửi đến Quốc hội.
Đây là Dự thảo đã được tiếp thu sau khi lấy ý kiến nhân vào đầu năm nay và ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hồi tháng 4/2023.
Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân, tờ trình mới nêu.
Trước đó, ở dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 23, Chính phủ thiết kế quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Đồng thời quy định việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ 1/1/2026.
Khi đó, tại cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) có ý kiến quy định bảng giá đất ban hành hàng năm là khó thực hiện, đề nghị ban hành 2 năm 1 lần hoặc 5 năm 2 lần.
Dự thảo chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm vẫn quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Lý do, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, Dự thảo đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật; đồng thời, tiếp thu quy định ban hành bảng giá đất theo hướng: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua Bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cấp tỉnh để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung áp dụng từ ngày 1/1 của năm đó. Trường hợp trong năm áp dụng Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định”.
Liên quan đến phương pháp định giá đất, vấn đề còn khiến cả chuyên gia và đại biểu lo ngại về tính khả thi, Dự thảo đã bổ sung quy định cụ thể nội dung các phương pháp định giá đất, nguyên tắc áp dụng phương pháp để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đồng thời bỏ quy định về phương pháp thặng dư trong các phương pháp định giá đất, do phương pháp này được tính toán dựa trên các thông tin đầu vào giả định dẫn đến việc áp dụng trên thực tế không thống nhất, tạo nhiều khó khăn trong thực hiện. Đây thực tế là phương pháp định giá bất động sản phục vụ cho các nhà quản trị tính toán để quyết định đầu tư, chưa phù hợp với quản lý nhà nước về đất đai trong điều kiện thị trường chưa có cơ sở dữ liệu thông tin đầu vào đầy đủ, ổn định, minh bạch, Chính phủ giải thích.
Đồng thời Dự thảo đã bổ sung quy định về các phương pháp định giá đất gồm: Phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập, và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất; quy định căn cứ nguồn dữ liệu thông tin đầu vào để xác định giá đất, cơ quan tổ chức xác định giá đất được quyết định xác định giá đất bằng một hoặc nhiều phương pháp định giá theo quy định tại khoản 4 Điều này. Cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách nhà nước.
Theo nghị trình, sáng 9/6, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi). Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Luật Đất đai (sửa đổi), sau đó thảo luận ở tổ về nội dung này.
Theo Báo Đầu tư.